Một Nhật Bản khác lạ trong tôi

Nhật ký hành trình 421 lượt xem

Ghi lại cảm nhận của Ngọc Thăng chuyến du lịch Nhật ngắm lá đỏ 2018

Một Nhật bản rất khác trong tôi

Trước khi đến Nhật, chỉ nghĩ đến Nhật với lễ hội hoa Anh Đào rực rỡ, những mặt hàng được đóng mác Made in Japan, những con người cần cù, tỷ mẩn trong công việc. Đi vào mùa thu, nghĩ là được ngắm lá đỏ, lá vàng, sẽ là một Nhật Bản rực rỡ sắc thu. Tôi đến Nhật Bản không thấy điều đó, tháng mười lá vẫn còn xanh lắm, phải đi lên vùng núi cao mới lác đác vài cụm lá vàng, lá đỏ. Khi đến Nhật lại biết một Nhật Bản rất khác.

khu-mua-sam-akihabara-tokyo
khu-mua-sam-akihabara-tokyo

Người Nhật vượt qua rào cản ngôn ngữ theo cách của mình

Trước khi sang Nhật bị hù là phải tự thân vận động vì người Nhật không biết tiếng Anh phổ biến ngoài đường. Mình sang Nhật không phải đi chơi, chỉ sợ trình độ tiếng Anh của mình không đủ để dùng thôi nên cũng không trang bị bất cứ điều gì để vượt qua rào cản ngôn ngữ với nguười Nhật. Thế nhưng, chỉ duy nhất một lần thấy không vượt qua rào cản ngôn ngữ là ngay buổi trưa đầu tiên đi ăn, loay hoay mãi không biết bao nhiêu tiền để trả.

Họ “giao tiếp” với người nước ngoài bằng cách sắp xếp đồ đạc trong tiệm rất gọn gàng, chu đáo, phân loại riêng để khi cần tìm gì thì chỉ cần vào đúng khu vực là tìm được. Vì vậy, để mua được một món đồ đúng chủng loại không khó, khó là không biết tiếng Nhật để biết tường tận nó như thế nào. Vào quán ăn thì luôn có menu bằng hình ảnh, đa phần các quán có mô hình thức ăn giống y như thật đối với từng món ăn, đồ uống. Menu đặt luôn ngoài quán để khách có thể xem sơ qua để không vào nhầm quán. Thức ăn mô hình được đặt bên ngoài tủ kiếng cũng có miếng bọc thực phẩm hẳn hoi. Vậy nên không khó khăn khi cần gọi món ăn. Ở một số nhà hàng thì có thể giao tiếp bằng tiếng Anh và tiếng Việt vì người nước ngoài làm phục vụ quán ăn rất nhiều.

Họ “giao tiếp” một cách khác rất đặc biệt là “chỉ tận nơi”. Hỏi đường trên phố thì người trẻ sẽ mở điện thoại ra và chỉ cho khách bằng chỉ dẫn trên điện thoại, gặp người lớn tuổi thì họ sẽ dẫn đến tận nơi hoặc là lối rẽ gần nhất để khách không bị lạc. Khi mua hàng, để tránh nhầm lẫn, họ sẽ tính tiền trên máy và chỉ cho khách nhìn số tiền phải trả hiện trên máy. Khi trả tiền sẽ được bỏ vào một cái khay nhỏ hình chữ nhật nên sẽ không có chuyện nhầm lẫn tiền người nọ với người kia, hay rơi đâu mất. Khi sử dụng dịch vụ, sản phẩm họ sẽ “giao tiếp” bằng từng cử chỉ, ánh mắt, nụ cười, giọng điệu trong câu cảm ơn. Vậy nên, dù không thể nói với nhau bằng lời nhưng vẫn có thể giao tiếp với người Nhật và nhận được sự hài lòng, thoải mái.

Người Nhật thế hệ sắp nghỉ hưu họ mặc cảm về tiếng Anh của họ không tốt cho dù họ đi làm việc khắp nơi trên thế giới và nói bằng tiếng Anh. Thật là khiêm tốn quá mức! Thế hệ này luôn đề cao thế hệ trẻ Nhật Bản nói tiếng Anh tốt hơn họ. Bạn trẻ Nhật nói chung thì tiếng Anh cũng không tốt cho dù có học qua các cấp học phổ thông và đại học. Một lớp trẻ có lẽ không ít, có đầu tư học tiếng Anh thì nói tiếng Anh rất tốt, thường là học ở trường bài bản, tham gia chương trình trao đổi học sinh, du học…

Người Nhật còn “giao tiếp” với người nước ngoài thông qua công nghệ. Họ có những phần mềm hay ứng dụng gì đấy dịch trực tiếp tiếng Anh ra tiếng Nhật và ngược tại. Cái này hơi gay go với người Việt Nam vì người Việt nói tiếng Anh mà máy không hiểu nên không dịch được.

Nhật bản với những người già cô đơn

Đi loanh quanh Tokyo cũng khá nhiều nơi đông người qua lại, không gặp nhiều người già nhưng mỗi lần gặp đều có một cảm xúc giống nhau là họ rất cô đơn. Không giống như ở Việt Nam, người già ra công viên để đọc báo, tập thể dục và sáng sớm hoặc chiều tối, cùng cười nói rất hòa đồng, cởi mở. Người già ở đây ra công viên sáng sớm, ngồi lặng yên nhìn hư vô vào không gian. Khi họ đi mua sắm hay đi trên tàu cũng thế, cảm giác họ rất cô đơn. Trông họ như đang thu mình lại và đi tìm lại chính mình. Đến Atami, một thành phố biển, có rất nhiều người già sinh sống, các cửa hiệu thời trang ở đây cũng thuộc kiểu dành cho người già. Ở Tokyo, khó có thể thấy một nước Nhật già nua nhưng khi đến Atami thì cảm nhận rất rõ một nước nhật với dân số già. Người già ở đây không có cảm giác đơn độc như người già ở Tokyo nhưng mà trông họ già nua và không được chia sẻ.

Người già cô đơn trong công viên Nhật bản

Một Tokyo nổi loạn

Đã từng đọc vài bài báo về một góc nổi loạn của Tokyo nhưng đi đến đấy mới thấy được sợ nổi loạn, kỳ dị của một phần bạn trẻ muốn vượt qua các chuẩn mực, ranh giới mà nước Nhật đã định hình bấy lâu nay. Ở đây được xem là nơi có rất nhiều ý tưởng táo bạo và sáng tạo. Một Tokyo hoàn toàn khác với quần áo vest đen, xám, lầm lũi đi trên phố hay vội vã tỏa ra từ tàu điện ngầm mỗi sáng mai hay chiều tối. Giới trẻ ở đây nhuộm ba bốn màu tóc trên một mái đầu là chuyện bình thường, nam mix quần với váy cũng bình thường, nhiều màu sắc tương phản không theo một quy luật nào hết, ngồi la liệt trên phố phì phèo hút thuốc hay hòa vào dòng người ngược xuôi như trẩy hội… Đến đây có cảm giác như đang ở Hàn Quốc, Đài Loan hay Hồng Kông thì đúng hơn. Để tìm một ý tưởng sáng tạo, có lẽ đây là nơi thích hợp nhất để lấy nguồn cảm hứng.

Trang phục này chưa phải độc lạ nhất đâu

Chuyến tàu say lúc nửa đêm

Người Nhật sử dụng phương tiện giao thông công cộng để đi làm nên đi làm về cũng sử dụng phương tiện giao thông công cộng luôn. Muốn biết một nước Nhật phía sau “màn nhung công sở” như thế nào thì bước lên những chuyến tàu cuối cùng của ngày. Ở đó, người người mệt rã rời, nồng nặc hơi men, mọi phép tắc xã giao, kính ngữ có lẽ không còn nữa. Đi trên tàu vào giờ khác trong ngày, hiếm khi thấy bạn trẻ ngồi vào ghế trống. Trên những chuyến tàu cuối, thường không có ghế trống. Nhiều người bước lên tàu đã say hoặc là lơ mơ rồi nên họ sẽ kiếm một chỗ để ngồi. Lúc này, có lẽ thật khó để nhận ra ông chủ tịch tập đoàn, ông sếp đáng kính, chuẩn mực, anh bạn đồng nghiệp ga lăng, tài năng lúc sáng mới gặp là ai trên chuyến tàu này.

Ngủ gật gà mệt mỏi chuyến tàu cuối

Nhật Bản có phải là đất nước có nhiều người khuyết tật?

Trên hè phố, đường đi dành cho người mù thì đã là quá thường. Các ngã tư còn có còi hú tiếng chim kêu với những âm thanh khác nhau báo hiệu đèn xanh, đèn đỏ cho người khiếm thị qua đường. Trong công viên, các bảng chỉ dẫn, thậm chí sơ đồ tham quan từng điểm nhỏ cũng có chữ nổi cho người khiếm thị. Các thang máy có luôn chữ nổi dành cho người khiếm thị có thể tự bấm đến nơi họ muốn. Bên cạnh đó cũng có một bảng số tầng vừa tầm với người ngồi xe lăn. Điều này không chỉ ở những nơi công cộng nhiều người qua lại mà ngay cả những khu chung cư nhỏ cũng có luôn. Ngày đầu mới sang cứ nghĩ là chắc ở Nhật nhiều người khuyết tật nhưng đi suốt hơn mười ngày, qua kha khá nơi mà chỉ gặp đúng 1 người khiếm thị.

Bảng chỉ dẫn cho người khuyết tật

Thật là có lỗi với Nhật Bản, vì đi về chả thấy mùa thu vàng đâu, chả thấy được những không gian sống ảo. Lận lưng bấy nhiêu đây thôi và một lời hứa với bản thân sẽ trở lại Nhật Bản. Điều này hơi phản bội bản thân chút xíu, là trước đây nghĩ chỉ đến Nhật vào mùa hoa Anh Đào, ngắm hoa xong rồi về. Giờ thì không nghĩ thế nữa! Haizzzzzzzzz!

4.9/5 - (18 bình chọn)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *