Rượu Sake Nhật Bản là gì?

Blogs du lịch Nhật bản, Nhật Bản Đến & Yêu 997 lượt xem

Nhắc đến Nhật Bản là chúng ta nghĩ ngay đến một nền văn hóa ẩm thực phong phú. Ngoài những món ăn ngon, Nhật Bản còn được biết đến với một thức uống truyền thống – rượu Sake. Vậy thức uống này có gì đặc biệt? Hãy cùng NhatbanAZ khám phá nhé!

Rượu sake bình cói – Mỹ tửu truyền thống đến từ nước Nhật

Khái quát rượu Sake

Rượu Sake là gì?

Sake là một loại đồ uống có cồn được làm bằng cách lên men gạo đã được xay xát và đánh bóng để loại bỏ gám. Ở Nhật Bản, từ Sake để chỉ những thức uống có cồn nói chung, bao gồm bia, rượu vang, whisky… Vậy, người Nhật gọi “rượu Sake” là gì? Trong tiếng Nhật, rượu sake còn được gọi là Nihonsu – được dịch là “rượu Nhật Bản truyền thống”.

Ban đầu, rượu sake chủ yếu để phục vụ hoàng gia, các đền chùa lớn hay các nghi lễ tôn giáo. Đến cuối thế kỷ 12, Sake dần được sử dụng phổ biến trong tầng lớp bình dân. Ngày nay, Sake vẫn được sử dụng thường xuyên trong các nghi thức truyền thống.

Lịch sử rượu Sake

Không xác định được chính xác người Nhật dùng gạo để nấu rượu từ khi nào. Song chắc chắn cũng phải từ lúc người ta đã canh tác lúa nước ổn định và có thể thu hoạch lúa đủ nhiều để dùng cho các mục đích khác ngoài lương thực. Có nhiều thuyết về nguồn gốc của Sake nhưng không có cái nào nhận được nhiều ủng hộ ở Nhật Bản.

Rượu Nhật được đề cập sớm nhất tại Đông Di Truyện của Trung Quốc viết vào thời Tam Quốc. Trong đó nói rằng người Nhật ham rượu, có phong tục uống rượu rồi nhảy múa, hát ca. Nhưng không nói cụ thể rượu này làm từ nguyên liệu gì hay phương pháp nấu rượu như thế nào. Trong cuốn “Kojike”, biên soạn năm 712 sau công nguyên, sake được nhắc tới vài lần trong tác phẩm.

Kuchikami no sake và Kabi no sake là thứ rượu nấu từ gạo lần đầu tiên được đề cập trong tài liệu của Nhật Bản. “Ghi chép về Phong thổ xứ Oosumi” có nhắc tới việc dân làng có phong tục dùng gạo và nước ủ hơn một đêm cho đến khi thấy có mùi rượu thì đem ra uống. Dân làng gọi thứ nước đó là Kuchikami no sake.

Trong “Ghi chép về Phong thổ xứ Harima” (khoảng năm 716) có viết về cách nấu một thứ rượu gọi là Kabi khá giống với phương pháp nấu sake ngày nay. Seishu, thứ gần như sake và Nihonshu (sake) cũng được nhắc đến lần đầu trong tài liệu này. Các kỹ thuật nấu sake thời kỳ Heian được thể hiện qua cách nấu rượu Hadaisen, một “nhãn hiệu” nổi tiếng trong loại rượu Sõboshu được nấu tại các chùa. Hadaisen được coi là seishu đầu tiên và cũng là sake đầu tiên.

Quy trình sản xuất

Vào thời điểm ra đời của rượu Sake Nhật Bản, có một mô tả về “Kuchikamizake” là một trong những phương pháp nấu rượu sake. Đây là một loại rượu sake mà một thiếu nữ trong đền thờ tham gia vào nghi lễ Thần đạo nhai cơm trong miệng và lên men bằng các enzym có trong nước bọt. Ngày nay, để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, người ta đã không còn sử dụng phương pháp này nữa.

Quá trình lên men rượu sake rất phức tạp không giống như lên men rượu vang. Quá trình lên men rượu sake gần giống như lên men sản xuất bia. Khác ở chỗ sake được sử dụng loại men Koji để chuyển tinh bột thành đường.

Để làm nên rượu sake phải trải qua nhiều công đoạn phức tạp. Gồm xát gạo, nấu thành cơm, ủ, lên men và lọc…Quá trình lên men sake gồm nhiều phản ứng phức tạp diễn ra đồng thời. Quá trình đường hóa tinh bột trong gạo và lên men diễn ra cùng một lúc trong bồn chứa. Nấm men koji được rải đều và bám lên các hạt cơm giúp phân hủy tinh bột. Sự pha trộn các nguyên liệu thô trải qua ba giai đoạn đòi hỏi rất tỉ mỉ.

Những kiến thức cơ bản để bạn thưởng thức rượu sake hấp dẫn hơn - tsunagu Local

Trên thực tế chai rượu sake thuần chất sẽ được ghi dòng chữ “junmai” trên nhãn dán chai rượu. Đây sẽ là rượu sake hoàn toàn, không có sự gia cố bằng cồn, hương liệu. Với chai rượu có chữ “honjozo”, người ta có thể thêm cồn chưng cất và một số hương liệu vào rượu sake để thêm hương vị đặc biệt. Thế nhưng thành phần lên men chính vẫn là gạo. Chất lượng đầu ra được kiểm soát vô cùng chặt chẽ. Quá trình lên men kéo dài trong vòng 18-32 ngày độ cồn tự nhiên đạt đến 20%. Sau đó người ta pha loãng rượu xuống còn 15-16% rồi mới đóng chai. Mục đích của hành động này là để tạo ra hương thơm nhẹ nhàng, đầy đủ hơn khi cảm nhận.

Thưởng thức rượu Sake 

Rượu sake là đồ uống mang tầm quốc gia, thường được phục vụ trong các nghi thức đặc biệt. Tùy thuộc vào thời tiết và loại Sake khác nhau mà người Nhật có cách thưởng thức rượu Sake vô cùng độc đáo. Rượu Sake Nhật Bản có hai cách uống là uống nóng và uống lạnh. Cách ngâm lạnh rượu sake cũng giống như cách ngâm các loại rượu khác. Bằng cách để chai rượu vào chậu đá và sau đó thưởng thức.

Cách hâm nóng rượu sake không phải là đem rượu đi đun sôi mà được làm theo cách thức cụ thể. Người Nhật để rượu sake trong một bình sứ và ngâm bình sứ đó trong nước nóng khoảng 70 độ. Khi nhiệt độ rượu trong bình khoảng 45 – 50 độ thì bắt đầu rót rượu ra để thưởng thức. Ngắm cảnh tuyết rơi bên hiên nhà, nhâm nhi đĩa hải sản nướng và thưởng thức rượu sake nóng. Cái lạnh của da thịt được làm nóng bởi sự nồng nàn của chén rượu. Quả là một nghệ thuật thưởng rượu.

Bên cạnh hương vị đặc trưng của rượu, bạn có thể cảm nhận được hương vị của trái cây. Như hương hoa anh đào, quả lê,… và mùi của gia vị như quế, hồi, hạt tiêu… Đây chính là nghệ thuật của nghệ nhân làm rượu sake. Quá trình làm rượu sake như tạo nên tác phẩm nghệ thuật. Người nghệ nhân là người cầm cân nảy mực để cân đối tỷ lệ các thành phần làm sao hài hòa nhất, mùi vị trong rượu là phức hợp nhất. Lúc đấy một chai rượu sake ngon đã ra đời.

Rượu sake được mệnh danh là quốc tửu của Nhật Bản. Do làm từ nước và gạo Nhật nên nói không sai khi rượu sake mang hồn cốt người Nhật Bản. Nó không chỉ là một thức uống mà đã trở thành nét đẹp văn hóa của con người nơi đây.

5/5 - (18 bình chọn)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *