Onsen ở Nhật – thiên đường nơi hạ giới

Tại sao chọn Nhật Bản 379 lượt xem

Onsen ở Nhật – thiên đường nơi hạ giới

Hôm ấy hết giờ làm, tôi được dẫn đi tắm Onsen ở Odaiba Ōedo-onsen-monogatari. Chuyến tàu đưa chúng tôi đi qua Vịnh Tokyo, cầu Cầu Vồng. Vào đến nơi tắm Onsen, tôi túng túng không biết làm thế nào mặc dù đã được hướng dẫn chu đáo trước khi bước vào khu thay đồ. Quan sát một lúc, thấy người ta thay đồ và chỉ mặc Jukata rồi đi ra phía sau. Tại đây có một khu thay đồ, mọi người bỏ chiếc áo Jukata vào tủ và cầm một cái khăn nhỏ đi ra khu tắm Onsen. Trước khi tắm Onsen thì cần phải vệ sinh cơ thể sạch sẽ.

Có rất nhiều bồn ở đây với kích thước khác nhau. Nhiệt độ nước trong hồ cũng khác nhau. Hồ gần lối vào sẽ có nhiệt độ thấp nhất và nhiệt độ tăng dần ở các hồ phía sau. Khách vào tắm ở đây không nhiều và họ nói chuyện vừa đủ nghe nên không gian rất tĩnh lặng. Cái tĩnh lặng có lẽ tự đến bởi vì khi ngâm mình trong làn nước khoáng âm ấm rất dễ chịu khiến cho người ta chỉ muốn thả mình vào bồn nước ngâm cho tan hết những muộn phiền và căng thẳng. Mỗi hơi hít vào cơ thể lại nổi bồng bềnh trên mặt nước. Cơ thể nhẹ tênh, đầu óc cũng giãn ra, nhẹ tênh.

Bước qua hồ khác, nước nóng hơn. Ngâm một lúc cơ thể sẽ nóng lên, máu chảy rần rần trong huyết quản. Hồ đầu tiên đem đến cảm giác thư giãn nhẹ nhàng thì hồ này lại mang đến một nguồn sống dồi dào. Cảm nhận rất rõ từng mạch máu chảy rần rần trong cơ thể. Một nguồn năng lượng mới đang được tái tạo và luân chuyển đến từng tế bào.

Ở đây có một phòng xông hơi khô và một phòng xông hơi nước. Tuỳ vào cơ địa, sức khoẻ, sở thích của từng người mà chọn phòng xông hơi khô hoặc xông hơi nước hoặc ngồi bao lâu. Mồ hôi túa ra sau khi cơ thể đã được ngâm khoáng là một cảm giác khoan khoái khó tả. Những mệt mỏi, đau nhức trong cơ thể cứ thế tan thành mồ hôi và thoát ra ngoài.

Sau khi hoàn thành các công đoạn “giải thoát” cho cơ thể thì bước ra ngoài qua bậu cửa nhỏ là một cảm giác thoát trần thực sự. Một không gian nhỏ với những hốc đá mô phỏng thiên nhiên, những lu chứa nước khoáng đủ để một đến hai người ngồi tâm tình. Một khoảng vườn be bé đủ để dạo trong mấy bước chân. Một cái ghế dài để rải mình lên đó. Không ánh điện, chỉ có ánh trăng mười bốn của một ngày thu se mát. Cảm giác như đang lạc giữa thiên đường.

Sau khi tắm Onsen, sẽ có một khu ăn uống ở phía ngoài. Khu này dùng chung cho cả nam và nữ. Khác với một không gian lặng lẽ và thưa thớt trong kia, không gian ở đây người người qua lại dập dìu, nhộn nhịp nhưng không ồn ào. Một không gian nhỏ thoáng đãng, ấm cúng đủ để đi loanh quanh, đủ yên lặng để nói nhỏ cho nhau nghe. Hơn hết có lẽ là một bầu không khí nhẹ nhàng do ai cũng vừa được gột trần. Khu này tách biệt với mọi tiếng ồn động cơ, tiếng ồn của cuộc sống, cảm giác như đang đi giữa phố hội chốn bồng lai. Lạc bước vào thiên đường Onsen để được hội ngộ nhau ở vườn ẩm thực có lẽ là ý tưởng khi người ta tạo ra nơi này. Trải nghiệm tắm Onsen ở đây quả là một món quà xứng đáng cho những tháng ngày vất vả mưu sinh.

Người Nhật nghĩ ra kiểu tắm Onsen kể ra cũng là một di sản để đời. Nó không đơn thuần là một kiểu tắm mà cao hơn là con người vượt qua được giới hạn người trần mắt thịt và tự nhiên mặc bộ đồ khai sinh đi trước bao người lạ. Phải vượt qua được giới hạn ấy trong suy nghĩ thì mới cảm nhận được giá trị của tắm Onsen và cũng mới làm kho không gian tắm Onsen không bị vẩn đục bởi ánh nhìn.

Một nơi đến rồi đi không lưu lại một tấm hình nhưng lại là một điểm đến được ghi nhận trọn vẹn cảm xúc và ấn tượng sâu đậm nhất trong tôi. Ấn tượng sâu đậm bởi không mất thời gian phân tâm vì bất cứ điều gì ngoài việc tận hưởng nơi đến bằng mọi giác quan, trong từng khoảnh khắc.

(Ngọc Thắng –  phan***@***.com)

5/5 - (47 bình chọn)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *