Yukata có phải là Kimono hay không?

Blogs du lịch Nhật bản, Nhật Bản Đến & Yêu 902 lượt xem

Kimono và Yukata là hai thuật ngữ rất quen thuộc với mọi người, nhưng bạn đã thực sự phân biệt được giữa hai loại trang phục này không? Hãy để Nhatbanaz phân biệt giúp bạn nhé.

Sự khác nhau giữa Kimono và Yukata

Tên gọi

Kimono (Kanji: 着物; Kana: きもの) có nghĩa là “Mặc đồ”, trong đó “Ki” có nghĩa là “mặc”, “Mono” là “đồ”. Đây là loại y phục truyền thống của Nhật Bản. Đối với văn hóa Nhật Bản, Kimono không đơn thuần là trang phục truyền thống mà còn được xem là một tác phẩm nghệ thuật.

Yukata (Kanji: 浴衣, Kana: ゆかた) được ghép từ “Yu” là “tắm” và “Katabira” nghĩa là “đồ mặc lót trong”. Ý nghĩa ban đầu của Yukata là loại trang phục dùng để mặc sau khi tắm.

Chất liệu dùng để may

Có một sự khác biệt rất lớn về chất liệu sử dụng để làm nên hai loại trang phục này. Theo truyền thống, Kimono thường được làm từ lụa. Ngày nay Kimono cũng được may với chất liệu cotton, tơ nhân tạo, sa-tanh hay loại vải sợi nhân tạo polyester. Trong khi đó, Yukata chỉ được làm từ vải cotton, loại vải này thường nhẹ hơn và đặc biệt phù hợp với mùa hè vì sự thoáng mát và thấm hút mồ hôi của nó.

Vải may kimono
                        Một bộ kimono được may nguyên từ một súc vải, gọi là tanmono

Nếu lần đầu tiên bạn mặc thử Kimono thì sẽ hơi khó khăn cho bạn khi muốn mặc chúng đúng cách. Trong khi đó, Yukata lại dễ dàng hơn nhiều vì đây là loại trang phục đơn lớp. Vì có nhiều lớp nên Kimono thường được mặc khi thời tiết lạnh (mùa đông, mùa xuân) còn Yukata thường được mặc vào thời tiết nóng (mùa hè, thu).

Phục trang đi kèm

Lớp choàng:

Lễ Thành Nhân (Seijin no Hi) là một lễ hội truyền thống của quốc gia Nhật Bản. Bạn sẽ bắt gặp những cô gái mặc trang phục Kimono tuyệt đẹp và diện một tấm choàng trên cổ. Do lễ hội này thường diễn ra vào thứ hai của tuần thứ hai trong tháng 1 mỗi năm. Đây là thời điểm mùa đông ở Nhật Bản với thời tiết vô cùng lạnh và có cả tuyết. Do đó, tấm choàng này có tác dụng giữ ấm cho cơ thể.

                                  Lớp choàng tạo điểm nhất cho bộ kimono tuyệt đẹp

Tay áo: Tay áo của Kimono có thể rất dài, trung bình hoặc thường dài qua bắp tay của người mặc. Trong khi đó, tay áo của Yukata thì ngắn và gọn gàng.

                                Tay áo của Kimono (bên trái) và Yukata (bên phải)

Thắt lưng Obi: 

Một phụ kiện không thể thiếu và là niềm tự hào của các nghệ nhân trang phục Nhật Bản đó là thắt lưng Obi. Ngoài công dụng cố định nếp áo và là điểm nhấn trang trí thì Obi còn mang tính ngầm biểu hiện thành phần xã hội. Thiết kế Obi của Kimono tương đối sắc sảo trong đường kim mũi chỉ và chất liệu khiến chúng trông dày hơn rất nhiều. Ngược lại, Obi của Yukata được thiết kế đơn giản, gọn nhẹ.

Maru Obi – là loại obi trang trọng nhất

Dép và vớ: Phụ kiện bắt buộc khi mặc Kimono là Geta và vớ trắng. Geta là một loại guốc gỗ truyền thống Nhật Bản, khá giống với dép xỏ ngón nhưng có đế cao hơn. Geta được dùng đồng bộ với Kimono nhưng Yukata thì không bắt buộc phải mang phụ kiện này.

      Đôi Geta truyền thống của Nhật Bản

Những dịp đặc biệt

Theo thời gian, với tay nghề của nghệ nhân ngày càng cao, kimono dần trở thành một hình thức nghệ thuật. Mỗi bộ kimono được làm ra trở nên có giá trị hơn và được các bậc cha mẹ truyền lại cho con cái như một vật gia truyền. Kimono thường được diện trong những dịp đặc biệt, các sự kiện quan trọng như đám cưới, đáng tang hay các buổi trà đạo. Bên cạnh yếu tố sự kiện, người Nhật luôn nghĩ đến yếu tố thời tiết để lựa chọn Kimono. Các màu nhạt như xanh sáng thích hợp cho mùa xuân. Các màu mát như tím nhạt, xanh đen phù hợp cho mùa hè. Mùa thu thì thích hợp cho các màu mô phỏng màu sắc lá rụng. Và mùa đông thì nghĩ ngay đến màu mạnh mẽ như đen và đỏ. 

                                 Đám cưới truyền thống tại Nhật Bản

Yukata thì được mặc phổ biến hơn so với Kimono. Rất nhiều hội chợ Yukata được tổ chức trên đất nước Nhật Bản, phần lớn tập trung ở Tokyo và Kyoto. Khách tham gia có thể chọn mua bộ Yukata với màu và kiểu thiết kế mà mình yêu thích.

Nhatbanaz hân hạnh mang đến những bài viết giá trị, giúp bạn hiểu thêm về văn hóa Nhật Bản.

5/5 - (14 bình chọn)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *