Nhật bản có gì hay ngoài những thông tin mà ai cũng biết như là quốc gia hải đảo, là nền kinh tế thứ 3 thế giới. Nhật bản có Phú sĩ, có geisha, kimono, hoa anh đào, …
Tôi không đưa những thông tin đã có thừa trên Internet, như Nhật bản có biệt danh là “đất nước mặt trời mọc, là Phù tang, là Yamato, là “xử sở hoa anh đào”, …. Tôi không viết như là một người am hiểu chuyên sâu Nhật bản để mà đi vào phân tích học thuật, cũng không viết theo những gì mà du khách phương Tây viết về nơi đây, tôi ghi cảm nhận chân thực của tôi, một du khách Việt Nam đi Nhật Bản, với những cung bậc tương ứng với các màu sắc khác nhau (màu đỏ là ấn tượng mạnh, đến màu cam, rồi màu đồng, ..), ấn tượng không phải đều tốt, những chỗ theo quan điểm cá nhân tôi là “chẳng hay ho gì“, tôi để màu đỏ sẫm.
Cảm nhận đầu tiên khi đặt chân đến Nhật Bản
Đi lại cực kỳ dễ dàng
Chưa đi nước ngoài bao giờ, tiếng Nhật không biết, tiếng Anh chỉ bập bẹ – đó không phải là vấn đề lớn. Khi bạn đáp xuống sân bay thì ấn tượng đầu tiên không chỉ là bảng chỉ dẫn đầy đủ, mà bạn có thể hỏi bất cứ ai đều được trả lời. Ở các sân bay quốc tế, thường có đội ngũ tình nguyện viên sẵn sàng hỗ trợ bạn mọi lúc, mọi vấn đề từ việc xếp hàng chờ ở đâu, cho đến khai hải quan như thế nào. Ra khỏi sân bay, theo sơ đồ chỉ dẫn rất đơn giản để đón xe buýt hay tàu điện về thành phố. Quan trọng nhất: không biết thì phải hỏi. Ở Nhật bản bạn sẽ không phải lo lắng về chuyện lừa đảo, hay bị “ăn chửi” đâu. Xem thêm: phương tiện đi lại ở Nhật Bản.
“Thiên đường”
Bởi chúng ta không biết được thiên đường thực sự như thế nào, cho nên trong khái niệm đơn giản nhất là ở nơi cảnh đẹp bao la, con người hiền hòa, đường xá sạch sẽ, mọi thứ thấy ngăn nắp, nhỏ nhắn xinh xin ở đồng quê cũng như thành thị, thấy “vừa vừa” với mình, ăn uống đủ thứ ngon lành, đi dạo trong thành phố mà thấy rất yên bình, dưới hồ cá bơi, trên trời chim hót, …như vậy thì gọi là thiên đường cũng chẳng ngoa. Là tôi nói cảm giác của một du khách Việt Nam thôi, chứ con “áp lực công việc”, “những mặt trái xã hội” thì đó là chuyện khác, chuyện riêng của Nhật.
Trật tự và An toàn
Ai đã từng đến đất nước Nhật Bản cũng phải khẳng định điều này, gần như không bao giờ phải lo chuyện mất cắp, chuyện lừa đảo. Các bạn sinh viên mình ở Nhật, thỉnh thoảng bị cầm nhầm chiếc ô che mưa, hay đùa “chắc đang ở khu người Tàu” (ở Nhật Bản nếu trời mưa, khi bước vào cửa hàng, quán ăn thì các bạn sẽ phải cắm ô ở kệ trước cửa, lúc về thì tự giác lấy đúng ô của mình, nên chuyện cầm nhầm của nhau là hết sức bình thường, vì ô thì giống nhau).
Ở Nhật bản, tôi chưa từng thấy chuyện chen lấn, xô đẩy, cãi vã, kể cả việc sắp hàng mua vé tàu chuyến cuối trong ngày, đến cả chờ hàng dài đi vệ sinh. Trật tự và tôn trọng lẫn nhau.
Còn nếu lỡ đánh rơi mất đồ thì sao? Nếu chắc chắn được vị trí mất đồ thì 90% bạn sẽ nhận được nó ở đồn cảnh sát gần đấy. Tôi đã từng để quên laptop, nhận lại được sau 3 ngày.
Thân thiện và Nhiệt tình
Đến Nhật bản bao nhiêu lần, chưa lần nào tôi phải nghe một câu quát tháo nào ngoài đường, chưa khi nào thấy đôi co, cãi cọ giữa phố. Tiếng Nhật tôi không đủ nhận mặt chữ, nên bập bẹ tiếng Anh với người bản xứ, lúc nào tôi cũng nhận được nụ cười và sự giúp đỡ, chưa khi nào thấy một ai tỏ ra khó chịu, hay giả vờ làm ngơ. Rất nhiều lần, tôi bị lạc phải hỏi người qua đường, già có, trẻ có, họ không những chỉ đường cho tôi, mà còn đưa ra tận ga tàu nơi tôi cần tìm đến.
Hệ thống tàu điện tuyệt vời, đi làm 80km vẫn thảnh thơi
Đôi lúc trộm nghĩ, nếu Việt Nam có hệ thống tàu điện như ở Nhật Bản thì việc “đuổi kịp” Nhật chắc cũng chẳng khó. Hệ thống tàu điện gần như nối tất cả các điểm, nhanh và thuận tiện, chính xác đến từng giây. Ở Nhật Bản, quan chức chính phủ cũng đi làm bằng tàu điện. Chính xác đến từng giây nên sẽ không có chuyện lý do đi làm muộn vì kẹt xe, tắc đường. Lần đầu sang làm việc, nơi tôi ở cách văn phòng làm việc chừng 80km, thấy choáng, sang mới biết tổng thời gian trên đường đi làm kể cả nhởn nhơ cũng chỉ 30 phút. Nhân tiện, hồi đó ngu ngơ nên cứ đo hỏi tính km, sau này mới biết ở Nhật Bản khi hỏi đường, người ta chỉ hỏi đi tàu mất bao lâu thôi.
Cũng phải nói thêm rằng, việc mua vé rồi di chuyển giữa các ga rất dễ dàng, có bảng thông báo, có hướng dẫn ở khắp mọi nơi bằng cả tiếng Nhật và tiếng Anh.
Taxi ở Nhật Bản quá đắt đỏ
Lấy con số ước tính như thế này để dễ hình dung là giá taxi Nhật bản gấp khoảng 5 lần so với giá taxi ở Việt Nam, vậy nên du khách ai tính “chơi sang” thì cũng sẵn sàng tiền túi. Tất nhiên thì những lúc lạc đường, cần gấp công việc thì chung ta cũng phải dùng taxi ở Nhật bản thôi.
Địa chỉ rất “nhà quê”, hãy hẹn nhau ở nhà ga
Địa chỉ ở Nhật dùng địa chỉ hành chính Đô-Đạo-Phủ-Huyện-Shi-Chou-Son kiểu như Thành phố-Quận-Phường-Khu phố, và không đánh số nhà kèm theo tên đường như ở các nước khác, thành ra rất rối rắm. Với những ai chưa quen dùng bản đồ online trên điện thoại, máy tính (như tôi những năm đầu sang Nhật) thì đừng trông chờ “đường ở miệng chứ đâu” nhé. Người Nhật rất thân thiện và nhiệt tình, nhưng nếu bạn đưa một địa chỉ một căn hộ ra rồi nhờ họ chỉ đường là họ chịu, lắc đầu, ad đã từng rơi vào hoàn cảnh kéo lê ba lô cả mấy tiếng đồng hồ chỉ để tìm nhà trong bán kính 500m.
Nếu lỡ rơi vào tình huống chỉ có tờ địa chỉ trên tay như vậy thì có thể tìm đến một trong 3 người sau để trợ giúp: cảnh sát, thư tín và taxi.
Địa chỉ ở Nhật Bản cũng được tra cứu theo chuẩn Mã bưu điện.Ngoài ra thì cũng như những nước phát triển hệ thống tàu điện ngầm trong thành phố, ở Nhật khi hẹn gặp nhau, người ta thường hẹn ở ga tàu: “gặp nhau ở cổng ra ga shibuya nhé!”
Cảnh sát tốt bụng và trách nhiệm
Cảnh sát Nhật bản thân thiện và trách nhiệm bậc nhất thế giới. Nếu đã qua đến Nhật rồi thì trừ phi bạn “cố tình làm sai trái”, còn không gặp bất cứ vấn đề gì, hãy đến đồn cảnh sát, họ sẽ giúp bạn tận tình từ việc lạc đường cho đến mất cắp, bị lừa đảo, mất giấy tờ, …
Nhà vệ sinh …quá đỉnh!
Nghe có vẻ buồn cười, nhưng đúng là WC – nhà vệ sinh ở Nhật Bản để lại ấn tượng ban đâu trong tôi, chỗ nào cũng sạch và đẹp: sân bay, nhà ga, khách sạn, nhà riêng, quán ăn, khu thương mại. Đầu tiên phải kể đến những tính năng hiện đại, thông minh như tự dội nước, điều chỉnh nước nóng lạnh, chức năng rửa cho Nam và Nữ riêng và tùy độ mạnh yếu vòi sen, chức năng làm ấm chỗ ngồi. Kế đến là thiết kế nhà vệ sinh trông như khoang làm việc thu nhỏ, ốp lát nghệ thuật và đầy đủ “đồ nghề”. Chẳng dấu gì quý vị, ad đã rất nhiều lần tranh thủ ngủ trưa luôn trong nhà vệ sinh, tại mình không thể làm việc thông trưa ngày hơn 10 tiếng như các đồng nghiệp Nhật Bản.
Lưu trú
Nhỏ gọn mà hợp lý
Ở Nhật bản mọi thiết kế đều hướng tới tiện lợi, vừa phải, không phô trương, không thừa thãi. Căn hộ của tôi từng thuê ở chỉ có khoảng 20m2, nhưng không thiếu tiện nghi gì cả, tủ được thiết kế âm tường, giường ngủ đồng thời kéo ra là ghế ngồi, bạn làm việc xếp lại được. Nếu bạn ở khách sạn Nhật Bản, mà đi so sánh với Thái lan chẳng hạn bạn sẽ có cảm giác hơi bé, nhưng khi ở rồi bạn mới thấy sự tiện nghi và thoải mái.
Nếu du lịch bụi, chỉ kiếm chỗ ngủ thôi thì nhà nghỉ không thiếu ở ngay trung tâm, cũng nhỏ gọn và đầy đủ. Tôi từng thuê một chỗ ở ngay khu mua sắm shinsaibashi, với giá mùa cao điểm 13$ cho 1 đêm: mỗi người có 1 giường nằm quây ri đô trong đó đã có chỗ để vali, tủ đựng đồ, móc treo quần áo, nhà vệ sinh và phòng tắm chung, trong phòng điều hòa mát mẻ, yên tĩnh.
Đường xá, nhà cửa, kể cả biệt thự đều vừa đủ vừa xinh, chứ không “to đùng” thừa thãi, chỉ có công viên và trang trại là bao la.
Rác không chỉ là Rác
Ở Việt Nam thì việc người ta tự giác vứt rác đã là quý lắm rồi, đi qua thùng ra mà ko hôi thối là điều xa xỉ. Rác ở Nhật Bản thì khác, luôn phải tuân thủ đúng thời gian gom, và phân loại đúng qiu định. Bất cứ ở khu dân cư hay nơi công cộng như ga tàu, khu thương mại luôn có các thùng rác khác nhau, về cơ bản phải được phân loại rác đốt được và rác không đốt được. Bạn không hiểu tiếng Nhật, tiếng Anh cũng không sao, trên thùng rác có hình vẽ, ký hiệu, bạn vui lòng thực hiện đúng. Với du khách vãng lai thì có thể không quá quan trọng, nhưng nếu sống ở khu chung cư thì nên lưu ý, đổ rác không đúng quy định bị phạt rất nặng.
Truyền hình tính phí
Một lần tháp tùng đoàn khách các bác ở tỉnh sang Nhật, lúc check-out khách sạn, thấy bill tiền dịch vụ tính thêm khoảng 3 man (tầm khoảng $250), hỏi ra mới biết là dịch vụ truyền hình. Mặc dù cũng đã dặn dò rất kỹ rồi đấy, nhưng các bác chén chú chén anh thế nào, tối ở khách sạn mở kênh giải trí tý cho mở mang đầu óc.
Nhật bản 18+ , Mát xa …tưởng vậy mà không vậy
Ngành công nghiệp phim khiêu dâm Nhật bản đem về doanh thu sánh ngang với công nghiệp ô tô, vậy nhưng không có nghĩa ở Nhật bản tình dục dễ dãi như ở các nước xem tình dục như là một tất yếu của ngành du lịch. Tôi có bài viết riêng “Nhật bản 18+ những hiểu lầm”
Lần đầu đưa đoàn đến Nhật bản, toàn đàn ông, các anh bảo tôi gọi giúp mát xa xuống phòng thư giãn tý, tôi gọi xuống lễ tân bảo chỉ còn 3 nhân viên có thể phục vụ thôi, tôi đồng ý bố trí cho các anh. Chờ 15 phút sau, ông anh gọi điện cho tôi lên phòng, ông ôm miêng cười sằng sặc “chú chơi anh à?“. Tôi đã hiểu, trước mắt tôi là một phụ nữ tầm 50 tuổi đang chờ để phục vụ mát xa cho khách. Tội nghiệp, bà không hiểu vì sao ông khách kia lại cười sằng sặc. Tôi bảo anh, thôi cứ để bà mát xa cho đi. Tôi lập tức “gọi điện cho người thân” thì biết ở Nhật bản khái niệm “mát xa” Nhật bản ở khách sạn không giống như ở Việt Nam đâu, ở đây phải là những master, những người có tay nghề, chứng chỉ mát xa lâu năm mới được hành nghề, và chỉ là mát xa trị liệu, phục hồi sức khỏe. Rõ khổ! Tức tốc nhắc nhở 3 ông anh.
Kinh nghiệm, lần sau lại mà một ông anh khác, nói thẳng là “anh cần z“, loay hoay hồi, tôi cũng điều được về khách sạn và được dặn là khách phải nói được tiếng Nhật đấy. Cũng được đâu 15 phút, ông anh réo tôi lên hỏi sao con bé nó lại chạy mất rồi, tôi ú ở luôn. Lại “gọi điện người thân“, thì ra các em hành nghề ở Nhật bản rất nghiêm túc và tự trọng trong nghề nghiệp, sex không thể thiếu phần giao tiếp, nếu khách không biết tiếng Nhật thì các em không thế làm cho khách hàng thỏa mãn được. Ra là vậy, vậy mà tôi cứ tưởng vì “chúng nó” ghét, bài xích người nước ngoài chứ. Ngoài ra cũng lưu ý là luật Nhật bản cũng rất nghiêm trong việc bảo vệ các cô gái, đặc biệt xử lý rất nặng các biểu hiện lạm dụng tình dục.
Ăn uống và sinh hoạt
Cửa hàng tiện ích và quán ăn mọi nơi, ăn gì cũng có, giá cả rõ ràng
Nhật bản cũng như các nước Châu Á, cửa hàng tiện ích, quán ăn có mặt khắp mọi ngóc ngách, vậy nên chẳng có gì phải lo lắng về chuyện ăn uống. Gần như tất cả các tiệm ăn đều để mô hình món ăn (tỷ lệ 1-1 gần như thật luôn) để khách hàng có thể hình dung, biết giá cả mà lựa chọn. Nếu như cảm thấy khó ăn với khẩu vị Nhật thì hoàn toàn có thể lựa chọn các chuỗi ăn uống phương Tây quen thuộc như KFC, Mac Donald, …
Máy bán nước chỗ nào cũng có
Đi du lịch, đi nhiều sợ nhất là khát nước. Ở Nhật thì yên tâm luôn, máy bán nước có mặt khắp mọi nơi, lựa chọn thoải mái. Ở Sân bay, nhà ga, trạm dừng, dọc đường, … gần như cứ cách vài chục mét lại có cái.
Tiệm ăn nho nhỏ nhưng ngon & sạch sẽ
Các tiệm ăn ở Nhật Bản thường không lớn, không “hoành tráng” như ở Việt Nam, phong cách ấm cúng nên thường không quá nhiều ánh sáng. Các du khách Việt Nam sang thường có cảm giác thất vọng vì trong tưởng tượng đi du lịch nước ngoài vào nhà hàng là phải cái nhà hàng to đùng đoàng, đồ ăn la liệt. Ở Nhật Bản không thế đâu ạ, cái gì cũng vừa xinh và tiện lợi.
Quán bánh xèo này tôi ăn ở Kamakura, trông thì chẳng khác gì mấy quán vỉa hè ở ta, nhưng sạch sẽ, chất và ngon lắm ạ.
Nhà hàng Nhật Bản chuyên một món
Cũng một sự “lạ” nữa với du khách Việt Nam. Một lần tôi cùng đoàn gia đình, toàn các anh quý tộc. Tới Osaka, các anh bảo đưa các anh đi ăn bò Kobe, tôi nói là tôi biết một quán ở Osaka rất được, nhưng các anh nhất thiết yêu cầu tôi đưa đi Kobe, chi phí không phải lo. Vào quán tương đối lớn, may họ vẫn còn nhận khách. Tôi gọi suất, cộng với đồ uống, đầu bếp bắt đầu cắt cắt đảo đảo, các anh ăn vài miếng, khen ngon, bảo tôi gọi thêm đi, tôi gọi thêm tiếp lần nữa, vẫn là những miếng thịt như vậy, vẫn đảo đảo cắt cắt, ông anh trưởng hỏi tôi sao có mỗi 1 món, tôi bảo thì vâng nhà hàng chuyên bò Kobe chỉ có món như vậy, chén rượu ngà ngà ông anh quắc mắt nhìn tôi “chú lừa anh hả, anh bảo không phải lo chi phí, mà đưa anh vào cái nhà hàng như thế này à, mất mặt, mày hỏi xem có món hấp, món xào gì ko?”. Tôi chịu.
Hầu hết các nhà hàng ở Nhật bản đều chuyên món, có nhà hàng chỉ Ramen, có nhà hàng chỉ sabu-sabu, có nhà hàng chỉ bánh xèo. Quý khách nên biết điều đó để đừng đòi hỏi ngoài menu. Với các nhà hàng Nhật, đầu bếp chuẩn bị món ăn bằng cả lương tâm và tay nghề của họ, chỉ chuyên tâm món sở trường mà thôi. Có câu chuyện ông khách Trung Quốc bị đuổi ra khỏi nhà hàng Sushi chỉ vì không biết cách thưởng thức món ăn (bóc tách cơm ra và ăn như sashimi).
Đậu phụ thối …gây nghiền
Tôi cũng chẳng biết tại sao, nhưng đúng như kiểu món sầu riêng nhà mình ấy, ai ăn được thì nghiền, ai không ăn được thì thất “thum thủm”. Món natto tôi măy mắn ăn được, rất ấn tượng, gây nghiền.
Cơm hộp Bento đủ chất mà ko…đơn điệu
Khái niệm “cơm hộp” ở Việt Nam nghe nó bình dân, thậm chí là “rẻ rúng”, nhưng nếu có đi qua du lịch Nhật mà ăn Bento thì cũng đừng chạnh lòng nhé các bác. Tôi thì thấy Bento ngon, dễ ăn mà mỗi lần mua một hộp lại có một vị mới, khoải lắm.
Mỳ và Mỳ (soba, ramen, udon)
Nếu Việt Nam có bún, phở ở từng ngõ phố, thì Nhật bản cũng vậy, các quán Mỳ đủ loại ở khắp mọi nơi. Tôi rất thích bữa trưa nhẹ nhàng với Udon hoặc soba lạnh.
Hải sản và đồ sống tươi ngon
Cũng tùy người có ăn được đồ sống hay không? Với tôi thì tôi cực kỳ thích. Đồ sống ở Nhật được quản lý rất chặt chẽ đảm bảo vệ sinh, chẳng hạn như hải sản thì chỉ dùng trong ngày, trứng ăn sống chỉ nên dùng lại vừa mới đẻ chưa quá tuần.
Nếu bạn muốn ăn sashimi và sushi cho đã thèm thì hãy tìm đến các nhà hàng băng chuyền 100 yên. Thậm chí còn rẻ hơn ở Việt Nam.
Chơi, mua sắm và ngắm cảnh ở Nhật Bản
Hoa, hoa và hoa
Nhật bản mùa nào cũng hoa, đi đâu cùng thấy hoa, bắc xuống nam, thành phố đến nông thôn, hoa ở công viên, hoa ở đền chùa, hoa dọc đường trong phố. Người Nhật yêu hoa, những năm đói kém vẫn trồng hoa.
Mỗi thành phố gắn với một lâu đài
Đi thành phố nào cũng được giới thiệu về lâu đài nơi đó. Lâu đài không chỉ là chứng tích lịch sử, mà là một kỳ quan với kiến trúc đặc thù và cảnh đẹp hài hòa.
Chùa, Đền và Đạo trang nghiêm
Không khói hương nghi nghút, không sư sãi vào ra, nhưng đền chùa ở Nhật bản luôn tôn nghiêm, người Nhật lui tới rõ lòng hướng Phật. Vãn cảnh chùa Nhật bản mới thực sự là tìm cái thanh tinh, sự dung hòa giữa đất trời và con người.
Ấn tượng Hiroshima & học sinh học lịch sử
Trước khi đến Nhật Bản, trong tưởng tượng của tôi Hiroshima, với hậu quả của quả bomb nguyên tử, chắc còn hoang hóa lắm. Trái lại, thành phố xanh đẹp, sầm uốt. Thăm khu tưởng niệm lưu giữ chứng tích bomb nguyên tử đặc biệt ấn tượng, tất cả dấu tích của sự phá hủy kinh hoàng vẫn còn giữ nguyên, rất rõ ràng, đau thương, mất mát, nhưng không ủy mị, ai oán.
Một điểm nữa rất ấn tượng khi tôi ghé thăm bảo tàng chứng tích Hiroshima (và sau này còn chứng kiến ở nhiều bảo tàng khác nữa), là đoàn các em học sinh, sau khi xếp hàng bước vào, thì mỗi cậu bé, cô bé đều cầm trên tay cuốn vở đi từng hạng mục, ghi ghi chép chép. Học lịch sử với các em là một cuộc dã ngoại, và thực tế, chứ không chỉ trên sách vở.
Thiên đường mua sắm
Nhật Bản ngày nay gần như là “chợ lớn” cho du khách khắp thế giới đổ về mua. Các trung tâm thương mại, khu phố mua sắm lúc nào cũng nườm nượp người. Hàng hóa đủ các loại, chất lượng đảm bảo, giá cả niêm yết rõ ràng – lợi thế cạnh tranh rõ ràng của Nhật bản so với các nước trong khu vực. Mỗi lần đi Nhật, dù “kìm nén” đến mấy, tôi cũng phải lưng lửng cái vali xách về.
Cuộc sống hàng ngày ở Nhật Bản
Công viên và đường phố VUI NHỘN
Sang Nhật bản mới cảm thấy công viện thực sự là công viên, đường phố luôn tấp nập vui nhộn, mới hiểu thế nào là nghệ thuật đường phố, thấy cuộc sống sắc màu.
Sau mỗi buổi làm việc, tôi rất thích ghé công viên, xem các nhóm biểu diễn đường phố, tập thể dục nhẹ nhàng, hay chọn một góc bình yên ngồi ghế đá ngắm cảnh nghe chim hót, thấy thật nhẹ nhàng.
Làm việc quá tải
Không phải thường xuyên hiện hữu, nhưng ở Nhật bản ta cũng hay bắt gặp những gương mặt mệt mỏi, tranh thủ ngủ vật vờ trên tàu điện. Nếu so sánh với châu Âu thì đúng là những người đi tàu điện Nhật bản hối hả hơn, trông mệt mỏi thiếu sinh khí, kém phần lãng mạn thấy rõ. Người Nhật đã có một thế hệ, người ta gọi là “thế hệ hy sinh“, với quan niệm “làm việc 8 tiếng cho bản thân, 2 tiếng cho tổ quốc, 2 tiếng vì Nhật hoàng“.
Khu công nghiệp như rừng quốc gia
Nghe đến khu công nghiệp, hay thành phố công nghiệp, người ta nghĩ ngay đến những tòa nhà, dãy xưởng chi chít và ống khỏi chọc trời, vậy nhưng những khu nhà máy các tập đoàn lớn Nhật bản được xây dựng như trong một khu rừng. Tôi đã được dịp đi thăm nhà máy của Toyota và Hitachi, cổn1g vào như là vào khu công viên, phải đi xe điện gần cả km mới đến khu nhà máy nằm sau những rừng cây.
Động đất – chuyện nhỏ!
Với người Nhật, động đất là chuyện hàng ngày, là chuyện nhỏ. Hè 2008, tôi sang Nhật bản công tác, sáng đi làm việc bình thường, cả ngày không thấy ai nói gì cả, tối về thấy gần ga chỗ nhà mình có rất nhiều người “khăn gói quả mướp”, sáng mai lên văn phòng hỏi các bạn đông nghiệp mới biết hôm qua động đất 6,6 độ.
Mua hàng và tự giác trả tiền
Tính tự giác được đề cao ở nhiều nước, tuy nhiên đến mức như Nhật bản thì hiếm. Tôi từng mua hàng của các bác nông dân và tự trả tiền. Ở Nhật bản, các nông dân thu hoạch rau củ xong để lên quầy dọc đường, kèm theo giá và một thùng đựng tiền bên cạnh, rồi quay về làm việc tiếp của mình, khách vãng lại đi qua tự chọn hàng và trả tiền, cuối ngày các bác nông dân quay lên lấy tiền.
Tình dục cởi mở “quá lố”
Không phải vì tôi khắt khe khi nhận xét như vậy, ở phương Tây họ cũng cởi mở tình dục, nhưng Nhật bản thì quá lố: băng đĩa sexy bày đầy ở các khu thương mại, rồi các tạp chí người lớn bán công khai ở các cửa hàng tiện ích, khắp nơi.
Bài viết “Nhật bản có gì hay?” chỉ là cảm nhận của một vị khác đến Nhật Bản, chứ không phải là của những người sống lâu, sành sỏi tiếng Nhật, am hiểu về văn hóa, đã đến từng ngõ ngách tận cùng của “đất nước mặt trời mọc”. Đó là một góc nhìn “đơn sơ”, là ấn tượng ban đầu, góc nhìn có thể chưa đầy đủ, chắc chắn chưa chính xác, rất mong được sự góp ý chân tình của mọi người.
Blogs du lịch Nhật bản
Cẩm nang du lịch
Kinh nghiệm du lịch Nhật bản
Tại sao chọn Nhật Bản
- Tour làng cổ Shirakawago trượt tuyết 6N5Đ | HCM bay VNA
- Đi tour Nhật Bản có gì hay? mệt không? phần 2: Phú Sĩ-Nagoya-Kyoto-Kobe-Osaka
- Gần 150 đại diện công ty du lịch tham gia Famtrip khảo sát Hokkaido 8/2024
- Những địa điểm linh thiêng nhất nên ghé thăm khi đến Nhật Bản(P2)
- Du lịch Nhật bản dịp 30-4, nên và không nên?