Vì sao hồ sơ tôi “đẹp” thế mà vẫn rớt visa Nhật? Rớt visa Nhật rồi có xin lại được không? – Đó là những câu hỏi mà NhatbanAZ nhận được của rất nhiều người từng lỡ chuyến đi Nhật bản vì vấn đề visa. Để hiểu rõ hơn về những lý do phổ biến dẫn đến việc bị từ chối visa Nhật Bản, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với chị Thùy Linh, một chuyên gia tư vấn visa với gần 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Chị Linh cũng có thời gian công tác trong tổ chức xét duyệt hồ sơ visa.
Chuyên gia trả lời: Vì sao xin visa Nhật Bản bị rớt?
Vì sao Nhật Bản lại nổi tiếng là một trong những nước xét duyệt visa khắt khe?
Chị Thùy Linh: Nhật Bản là quốc gia có hệ thống nhập cảnh chặt chẽ vì họ muốn đảm bảo du khách đến nước mình có mục đích rõ ràng và không gây vấn đề về mặt pháp lý hoặc xã hội. Chính sách này đặc biệt quan trọng khi Việt Nam nằm trong danh sách các nước có tỷ lệ người lưu trú quá hạn cao. Vì vậy, dù du lịch hay công tác, bạn cần chứng minh khả năng tài chính, công việc ổn định và lịch trình rõ ràng để thuyết phục lãnh sự quán.
Những lý do phổ biến nào khiến hồ sơ xin visa Nhật Bản bị từ chối?
Chị Thùy Linh: Có khá nhiều lý do khiến visa Nhật bị từ chối, nhưng thường rơi vào các trường hợp sau:
Hồ sơ có dấu hiệu không trung thực
Đây là lỗi thường gặp phải nhất, kể cả những hồ sơ “đẹp”. Đại Sứ Quán Nhật Bản đánh giá cao sự trung thực trong hồ sơ. Những lỗi này đôi lúc là vô tình hoặc cố tình. Chẳng hạn, giấy khai sinh cũ để là Trần Thị Thái Uyên, nhưng sau đó đổi tên, trên hộ chiếu để Trần Thị Uyên. Hay nhiều trường hợp tự doanh, khi cần mới làm hợp đồng thì copy từ trên mạng và quên mất xóa tên công ty ở một dòng nào đó trên bản mẫu. Rồi thì bản khai là vợ chồng, mà vợ chồng thật nhưng chưa đăng ký kết hôn, v.v.
Hồ sơ tài chính không đủ mạnh
Nhiều người không chứng minh được mình có khả năng tài chính ổn định để chi trả cho chuyến đi. Ví dụ, sổ tiết kiệm không đủ số dư (thường từ 100 triệu trở lên), thu nhập hàng tháng không được trình bày rõ ràng hoặc không có giấy tờ chứng minh nguồn thu nhập.
Thiếu giấy tờ hoặc giấy tờ không hợp lệ
Một số người nộp thiếu các tài liệu cần thiết như xác nhận công việc, giấy nghỉ phép, lịch trình chi tiết hoặc vé máy bay khứ hồi. Ngoài ra, nếu giấy tờ bị làm giả hoặc thông tin không khớp, hồ sơ chắc chắn sẽ bị từ chối.
Không có lịch sử du lịch quốc tế
Người chưa từng đi các nước phát triển như Hàn Quốc, Singapore, Mỹ, Canada hoặc các nước châu Âu thường bị đánh giá rủi ro cao hơn.
Không chứng minh được mục đích chuyến đi
Lịch trình không rõ ràng hoặc không khớp với thời gian dự định ở Nhật là lý do lớn khiến lãnh sự nghi ngờ.
Hồ sơ có tiền sử vi phạm
Nếu trước đây người xin visa từng vi phạm luật nhập cảnh hoặc lưu trú quá hạn tại bất kỳ quốc gia nào, khả năng bị từ chối visa Nhật sẽ cao hơn.
Những dấu hiệu nào cho thấy hồ sơ có nguy cơ bị rớt ngay từ đầu?
Chị Thùy Linh: Các dấu hiệu dễ thấy bao gồm.
- Sổ tiết kiệm được mở sát ngày nộp hồ sơ, không phản ánh tài chính thực tế.
- Người làm tự do hoặc kinh doanh nhỏ nhưng không có giấy tờ chứng minh công việc rõ ràng.
- Lịch trình chuyến đi chỉ được viết sơ sài, không nêu cụ thể địa điểm, thời gian.
- Sử dụng hồ sơ giả, như giấy tờ công việc hoặc sao kê tài khoản ngân hàng không hợp lệ.
Người bị từ chối visa có thể nộp lại không?
Chị Thùy Linh: Có, nhưng bạn cần đợi ít nhất 6 tháng trước khi nộp lại và trong thời gian này, hãy chuẩn bị hồ sơ kỹ lưỡng hơn. Điều quan trọng là bạn cần tìm ra lý do từ chối lần trước để khắc phục. Lãnh sự quán Nhật không đưa lý do cụ thể, nhưng thông qua hồ sơ và kinh nghiệm, bạn có thể đoán được nguyên nhân.
Những lưu ý nào giúp tăng khả năng đậu visa Nhật?
Chị Thùy Linh: Để tăng cơ hội đậu visa, bạn cần lưu ý.
Chuẩn bị hồ sơ kỹ lưỡng và trung thực: Mọi thông tin trong hồ sơ phải khớp với thực tế và không nên sử dụng giấy tờ giả.
Chứng minh tài chính rõ ràng: Nên có sổ tiết kiệm từ 3-6 tháng trước ngày nộp hồ sơ, với số dư đủ lớn. Ngoài ra, cần sao kê tài khoản ngân hàng hoặc hợp đồng lao động để chứng minh nguồn thu nhập ổn định.
Lịch trình chi tiết: Nêu rõ ngày giờ, địa điểm bạn dự định đến tại Nhật. Có thể kèm theo booking khách sạn và vé máy bay để tăng độ tin cậy.
Hồ sơ công việc rõ ràng: Cung cấp giấy xác nhận công việc, giấy nghỉ phép, hoặc giấy đăng ký kinh doanh nếu làm tự do.
Thể hiện mục đích chuyến đi rõ ràng: Với visa du lịch, hãy thể hiện bạn thực sự chỉ đến để tham quan và sẽ quay về sau chuyến đi.
Lời khuyên cuối cùng cho những ai xin visa Nhật lần đầu?
Chị Thùy Linh: Đừng quá lo lắng nhưng cũng không nên chủ quan. Hãy tìm hiểu kỹ yêu cầu mới nhất từ phía lãnh sự quán Nhật Bản và chuẩn bị hồ sơ đầy đủ, trung thực. Nếu cảm thấy không tự tin, bạn có thể nhờ các công ty tư vấn visa hỗ trợ. Tuy nhiên bạn vẫn phải trung thực để công ty tư vấn đảm bảo tính hợp lệ của giấy tờ. Tốt hơn nữa hãy bắt đầu với những chuyến du lịch ở các nước Đông Nam Á hoặc Hàn Quốc để xây dựng lịch sử du lịch trước khi nộp visa Nhật.
NhatbanAZ: Cảm ơn chị Thùy Linh đã chia sẻ những thông tin hữu ích!
Hy vọng qua bài phỏng vấn này, bạn đọc sẽ hiểu rõ hơn về quy trình xin visa Nhật Bản và tránh được những sai sót không đáng có.