Hướng dẫn thủ tục xin visa đoàn tụ đi Nhật Bản (bảo lãnh vợ/chồng và con nhỏ)

Du lịch Nhật bản, Tư vấn Visa đi Nhật 2503 lượt xem

Hướng dẫn thủ tục xin visa đoàn tụ đi Nhật Bản dành cho người muốn bảo lãnh vợ/chồng và con cái sang Nhật đoàn tụ gia đình. Sau khi ổn định cuộc sống bên Nhật, nhiều người mong muốn được đón vợ/chồng/con cái qua đoàn tụ. Trong bài viết dưới đây NhatbanAZ sẽ chỉ ra 1 số điểm cần lưu ý khi làm visa diện này.

Visa đoàn tụ gia đình là gì?

Visa Đoàn Tụ Gia Đình là loại visa cấp cho vợ/chồng hoặc con cái của người nước ngoài đang sinh sống tại Nhật Bản, theo các hình thức lưu trú khác nhau. Trong đó, bố mẹ hay anh chị em đều không thuộc diện bảo lãnh của visa gia đình.

Visa đoàn tụ gia đình đi Nhật Bản
Visa đoàn tụ gia đình đi Nhật Bản

Đối tượng có thể xin visa diện đoàn tụ gia đình Nhật Bản

Theo quy định, những người làm việc và sở hữu visa trong các lĩnh vực dưới đây mới có thể bảo lãnh vợ/chồng và con cái sang Nhật theo dạng visa đoàn tụ đi Nhật Bản, bao gồm:

  • Giáo sư
  • Nghệ thuật
  • Tôn giáo
  • Truyền thông báo chí
  • Kinh doanh – quản lý
  • Luật – kế toán
  • Y tế
  • Nghiên cứu
  • Giáo dục
  • Visa lao động
  • Các ngành nghề liên quan tới nghiệp vụ quốc tế – nhân văn
  • Chuyển công tác doanh nghiệp
  • Kỹ năng
  • Hoạt động văn hóa nghệ thuật
  • Du học

Lưu ý: Có 1 số bạn hiểu nhầm rằng visa diện đoàn tụ gia đình này có thể bảo lãnh bố mẹ, anh/chị/em ruột qua Nhật được. Nhưng loại visa này chỉ có thể bảo lãnh vợ/chồng/con ruột hoặc con nuôi có giấy tờ hợp pháp.

Quyền lợi khi xin visa diện đoàn tụ gia đình Nhật Bản

Visa đoàn tụ gia đình đi Nhật cho phép người được bảo lãnh sống tại Nhật một khoảng thời gian nhất định. Người này ngoài việc tham gia các hoạt động sinh hoạt bình thường hàng ngày thì có thể tự do đi lại, học tập tại các trường senmon (trường dạy nghề), trường đại học… Tuy nhiên, họ không được phép đi làm nếu chưa đăng ký hoạt động ngoài tư cách lưu trú với cục xuất nhập cảnh địa phương.

Để tham gia làm việc tại Nhật Bản, bạn cần hoàn tất thủ tục đăng ký, sau đó bạn sẽ được đóng 1 con dấu cho phép bạn đi làm thêm với mức giờ quy định là 28h/tuần vào sau thẻ lưu trú. Lúc này bạn có thể đi làm hợp pháp với loại giấy phép này. Tuy nhiên hãy nhớ tuân thủ số giờ làm việc quy định nhé, nếu bạn làm quá giờ mà đúng đợt cảnh sát truy vấn, dù có đóng thuế đầy đủ bạn vẫn có thể bị xử phạt, nặng nhất là trục xuất khỏi đất nước Nhật.

Điều kiện để bảo lãnh vợ/chồng và con cái đi Nhật đoàn tụ gia đình

Điều kiện đối với người bảo lãnh (Sponsor)

  • Quốc tịch và tình trạng cư trú: Người bảo lãnh phải có quốc tịch Nhật Bản hoặc đang cư trú hợp pháp tại Nhật Bản (thẻ cư trú dài hạn, thẻ vĩnh trú).
  • Thu nhập và khả năng tài chính: Người bảo lãnh cần chứng minh có thu nhập ổn định, đủ để đảm bảo cuộc sống cho người được bảo lãnh. Thông thường, cần có giấy chứng nhận thu nhập từ công việc hoặc nguồn tài chính khác.
  • Điều kiện nhà ở: Người bảo lãnh phải có chỗ ở phù hợp tại Nhật Bản để đón người được bảo lãnh. Thường yêu cầu cung cấp hợp đồng thuê nhà hoặc giấy chứng nhận sở hữu nhà.

Điều kiện đối với người được bảo lãnh (Beneficiary)

  • Quan hệ hôn nhân hợp pháp: Vợ/chồng phải có giấy đăng ký kết hôn hợp pháp và được công nhận tại Nhật Bản.
  • Chứng minh quan hệ huyết thống: Đối với con nhỏ, cần cung cấp giấy khai sinh và các giấy tờ chứng minh quan hệ cha mẹ – con.
  • Tình trạng cư trú: Người được bảo lãnh phải không có tiền án, tiền sự và đáp ứng các yêu cầu về sức khỏe, không mắc các bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng.

Hồ sơ xin visa đoàn tụ đi Nhật Bản

Đối với người bảo lãnh

  • Đơn xin tư cách lưu trú tại Nhật.
  • Giấy tờ chứng minh công việc: Giấy xác nhận đang làm việc tại doanh nghiệp, bản sao giấy phép kinh doanh.
  • Giấy tờ chứng minh khả năng tài chính: Giấy chứng nhận nộp thu nhập, phiếu tổng kết thu nhập và tiền thuế cuối năm bản sao giấy khai thuế ở quận.
  • Trong trường hợp người bảo lãnh là du học sinh: Giấy chứng nhận số dư tài khoản ngân hàng chính chủ, chứng nhận tiền học bổng hoặc trợ cấp hay các giấy tờ có giá trị tương đương.
  • Các giấy tờ chứng minh mối quan hệ với người được bảo lãnh: Sổ hộ khẩu, giấy đăng ký kết hôn, bản sao giấy khai sinh nếu bảo lãnh con.
  • Chuẩn bị một phong bì có dán tem trị giá 404Yên, ghi rõ địa chỉ người nhận tại Việt Nam.

Đối với người được bảo lãnh

Đoàn tụ vợ hoặc chồng

  • Hộ chiếu gốc
  • Tờ khai xin visa ký ghi rõ họ tên
  • 01 ảnh 4,5*4,5 nền trắng
  • 01 COE bản gốc + 1 bản photo
  • Đăng ký kết hôn công chứng
  • Photo mặt hộ chiếu người bảo lãnh
  • Photo thẻ mặt ngoại kiều hai mặt người bảo lãnh

Đoàn tụ bảo lãnh con

  • Hộ chiếu gốc
  • Tờ khai xin visa ký ghi rõ họ tên con và ký tên mẹ bên dưới (mẹ ký thay)
  • 01 ảnh 4,5*4,5 nền trắng
  • 01 COE bản gốc + 1 bản photo
  • Giấy khai sinh công chứng
  • Photo mặt hộ chiếu người bảo lãnh
  • Photo thẻ mặt ngoại kiều hai mặt người bảo lãnh

Lưu ý: Những giấy tờ trong hồ sơ xin visa gia đình ở Nhật bắt buộc phải dịch sang tiếng Nhật hoặc tiếng Anh. Nếu dịch sẵn ở Việt Nam thì cần công chứng đầy đủ, hợp pháp hóa lãnh sự. Những giấy tờ này phải được cấp trong vòng 3 tháng gần đây và phải còn giá trị.

Form khai visa bảo lãnh mặt trước
Form khai visa bảo lãnh mặt trước
Form khai visa bảo lãnh mặt sau
Form khai visa bảo lãnh mặt sau

Thủ tục xin visa đoàn tụ gia đình ở Nhật Bản

Bước 1: Người bảo lãnh nộp hồ sơ xin Giấy chứng nhận tư cách lưu trú tại Cục Xuất nhập cảnh Nhật Bản.

  • Chuẩn bị hồ sơ như đã nêu ở phần trên
  • Thời gian xét duyệt hồ sơ xin Giấy chứng nhận tư cách lưu trú thường từ 1 đến 3 tháng

Bước 2: Sau khi được cấp Giấy chứng nhận tư cách lưu trú, người bảo lãnh sẽ gửi Giấy chứng nhận và các giấy tờ liên quan cho người được bảo lãnh.

Bước 3: Người được bảo lãnh nộp hồ sơ xin visa tại Đại sứ quán/Lãnh sự quán Nhật Bản tại Việt Nam.

  • Chuẩn bị hồ sơ như đã nêu ở phần trên
  • Thời gian xét duyệt hồ sơ xin visa thường từ 1 đến 3 tháng

Giải đáp câu hỏi khi xin visa đi Nhật đoàn tụ gia đình

Hỏi: Có thể đi làm full time khi có visa gia đình Nhật Bản không?

Đáp: Sau khi bạn đăng ký tư cách làm thêm với Cục xuất nhập cảnh, bạn sẽ được đóng 1 con dấu cho phép đi làm thêm dưới 28h/tuần vào sau thẻ lưu trú và có thể đi làm thêm hợp pháp với “giấy phép” này.

Hỏi: Thực tập sinh có thể bảo lãnh vợ hoặc chồng theo dạng visa gia đình được không?

Đáp: Không. Theo danh sách các loại visa có thể bảo lãnh vợ/chồng và con cái sang Nhật theo dạng visa gia đình không có Thực tập sinh (thông tin chi tiết xem tại phía trên). Do đó, các bạn Thực tập sinh không thể bảo lãnh người thân sang Nhật sống cùng theo dạng visa gia đình được.

Hỏi: Visa gia đình Nhật Bản có gia hạn được không?

Đáp: Có. Có thể xin gia hạn visa gia đình Nhật Bản từ 3 tháng trước khi visa cũ hết hạn.

Việc chuẩn bị đầy đủ hồ sơ và tuân thủ các quy định là rất quan trọng để đảm bảo quá trình xin visa đoàn tụ Nhật Bản diễn ra thuận lợi. NhatbanAZ luôn sẵn sàng trong việc hỗ trợ xử lý hồ sơ visa Nhật Bản với thủ tục nhanh chóng và đơn giản, tư vấn viên sẽ hỗ trợ bạn lên danh sách những giấy tờ cần chuẩn bị trước khi nộp lên đại sứ quán cũng như đánh giá tình trạng hồ sơ làm sao để có thể đạt kết quả tốt nhất.

5/5 - (49 bình chọn)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *