Chuyện ăn uống khi đi du lịch có lẽ là chuyện quan trọng nhất cần lưu ý. Đặc biệt du lịch Nhật Bản, nơi ăn uống là khoa học, là văn hóa, là nghệ thuật. Ăn đúng cách để thưởng thức đúng vị đặc sản, để tôn trọng văn hóa nước bạn, để thể hiện sự hiểu biết nguyên tắc xã giao.
Khác biệt trong văn hóa ăn uống của Nhật Bản và Việt Nam
Hãy xem những điểm khác biệt giữa văn hóa Nhật Bản và Việt Nam dưới đây.
Từng chút một, theo quy trình, đủ no, đủ chất, có khoa học
Đầu tiên phải nói đến sự khác biệt lớn nhất, đó là với Việt Nam thì phải “mâm cao cỗ đầy“; nên vài du khách sang Nhật Bản ban đầu sẽ có cảm giác “đói con mắt“, nhắn tin về cho bạn bè: trời ơi, đi du lịch gì đâu mà chúng nó keo như quỷ, cho ăn có tý xíu. Đặc biệt nếu là tour du lịch mời đối tác, bạn bè thì đôi lúc trưởng đoàn nổi cáu lên với hướng dẫn viên: em bảo nhà hàng có gì mang hết lên đây cho anh.
Nhật Bản ăn uống rất khoa học. Món nào ra món đó, đưa ra từ từ, ăn theo thứ tự để thưởng thức ngon mà không lẫn vị. Mỗi món một chút xíu, nhưng nhà hàng họ đã tính đủ calo, đủ dưỡng chất. Du khách ăn xong mới thấy: ối trời ơi, no quá.
Nhìn chung là vậy. Tất nhiên là họ cũng có những món nướng lẩu, có những món ăn “thả ga”.
Món ăn là sáng tạo của đầu bếp, ĐỪNG gọi gì ngoài menu
Trừ những nhà hàng lẩu, nướng; một ít nhà hàng Alacarte; còn thì cơ bản vào nhà hàng hãy gọi đúng trong menu. Du khách có gọi ngoài menu không những nhà hàng không phục vụ, mà đó còn là thể hiện sự thiếu tôn trọng đầu bếp nhà hàng. Món ăn của nhà hàng là sản phẩm sáng tạo của đầu bếp.
Có một số đoàn khách VIP sang Nhật Bản, cũng quen kiểu như Việt Nam, thấy bảo ngày mai đi ăn đặc sản Bò Kobe là gọi tour guide ra: mai bảo chuẩn bị cho anh thêm món pín hầm và lòng xào nhé. Chịu.
Món ăn là nghệ thuật, phải biết cách thưởng thức
Mỗi món ăn của Nhật có cách thưởng thức riêng. Phải đúng cách thì mới cảm nhận hết cái tinh túy của ẩm thực. Thậm chí một số nhà hàng ra quy định luôn: nếu ăn sai cách, nhà hàng có quyền mời ra, từ chối phục vụ.
Ăn Sashimi
- Bỏ 1 ít nước tương/xì dầu vào chén riêng.
- Cho một ít mù tạt lên miếng sashimi, đừng nhiều quá sẽ làm hỏng vị.
- Chấm miếng sashimi vào tương/xì dầu.
- Lưu ý đừng hòa mù tạt vào trong xì dầu, làm hỏng vị.
- Một số loại sashimi dùng với gừng thay vì mù tạt.
Ăn Sushi
- Đừng đổ quá nhiều nước tương/xì dầu vào trong chén – phí phạm trong ăn uống được xem là bất lịch sự.
- Không cần bỏ mù tạt vào sushi, vì hoặc là đã có sẵn trong cuộn rồi, hoặc là loại sushi đó ko nên dùng mù tạt.
- Trường hợp bạn vẫn muốn thêm mù tạt thì thêm lượng rất ít thôi.
- Thường thì sushi nên ăn vừa 1 miếng cắn (cho cả miếng vào miệng) để có vị trộn đều.
- Có thể ăn bằng đũa hoặc tay.
Ăn cơm trắng: thường ăn riêng, không rưới nước tương lên cơm.
Mặc dù không có quy tắc tuyệt đối nào cấm việc “rưới” các loại thực phẩm khác lên cơm trắng của bạn, nhưng nhìn chung, nó không được coi là một phong cách ăn uống tao nhã.
Vậy nên hãy lưu ý nếu bạn muốn tạo ấn tượng tốt, đặc biệt đối với các đối tác kinh doanh, cha mẹ của người yêu, thể hiện sự tinh tế, lịch thiệp.
Việc chan nước tương lên, hay cho thẳng miếng thịt vào cơm sẽ khiến bạn trông giống như một kẻ tham ăn nhất, và tệ nhất là một kẻ luộm thuộm.
Súp Miso
Nghe đến món súp, món nước thì ta nghĩ phải dùng thìa. Nhưng với misa thì cứ cầm cả chén mà húp như uống nước ở cốc nhé, không ai dùng thìa cả. Nếu còn đọng lại rong biển hay cả, rau gì đó thì sẽ dùng đũa gắp.
Ăn mì
Khác với Việt Nam phải nhỏ nhẹ. Qua Nhật nếu ăn mì Ramen hay Soba, bạn thoải mái húp xì xụp nhé. Người Nhật coi việc đó là bình thường, ăn mỳ như vậy mới ngon.
Hãy ăn sạch sành sanh
Điểm này thì Việt Nam có kẽ khách với nhiều nước, trong đó có Nhật Bản. Lạ vậy đó, ở Việt Nam nghèo, nhưng ăn uống luôn để thừa bứa, càng nghèo càng thừa. Ở Nhật Bản, cũng như các nước phát triển khác, xem việc ăn hết thức ăn mới là văn minh, là tiết kiệm, là tôn trọng đầu bếp, tôn trọng người làm nên sản phẩm. Vậy nên bạn đừng có trừ “miếng lịch sự”, hay chừa nước phở như ở Việt Nam nhé.
Ăn xong đưa về trật tự cũ
Sau khi ăn các món ăn truyền thống Nhật, thường có rất nhiều chén đĩa, các bạn cố gắng để đĩa chén, thìa nĩa đúng vị trí ban đầu khi được soạn ra. Đó là quy tắc bất thành văn.
Ăn xem nồi, ngồi xem hướng
Cả Việt Nam và Nhật Bản đều rất quan trọng việc “ngồi xem hướng”. Tuy nhiên quan niệm cũng rất khác nhau.
- Ở Nhật rất nhiều quán quỳ ăn (seiza). Đừng xem đấy là sự chịu đựng các bạn nhé.
- Bạn có thể ngồi quỳ hoặc ngồi vắt chéo chân, ngồi để 2 chân về 1 phía
- Thứ tự ngồi rất quan trọng: khách quan trọng Nhất ngồi ở vị trí xa cửa vào nhất, gọi là vị trí danh dự (kamiza); Chủ và những người ít quan trọng thì ngồi ở lối ra vào (shimoza).
Những điều nên tránh khi ăn uống
Điểm này cơ bản thì không khác Việt Nam là mấy. Có chăng là Nhật Bản quan trọng hơn hành vi khi ngồi ăn.
- Sẽ rất mất lịch sự nếu ngoáy mũi, xì mũi ở bàn ăn.
- Ợ là một trong những hành động được coi là thô thiển trong bữa ăn.
- Đừng nói những vấn đề mất vệ sinh trong ăn uống. Người Nhật không có đùa kiểu này. Điều đó được xem là rất bất lịch sự.
Và những điều kiêng kỵ
Không cắm đũa lên bát cơm vì điều này chỉ làm cho người chết mà thôi (cũng giống văn hóa Việt Nam).
Không gắp chuyển thức ăn giữa các đũa. Điều này cực kỳ kiêng kỵ, bởi nó liên quan đến truyền thống gắp xương người chết. Ngoài ra thì đó cũng là vấn đề vệ sinh. Nếu bạn thực sự cần gắp thức ăn cho ai đó, hãy quay đầu đũa, và gắp vào đĩa/chén.
Hy vọng kiến thức bổ ích về văn hóa ăn uống sẽ giúp bạn có được chuyến du lịch Nhật Bản mĩ mãn.