Tết trung thu là lễ hội nổi tiếng của các nước khu vực Đông Á và Đông Nam Á, được tổ chức đều đặn hàng năm. Ở mỗi quốc gia khác nhau, tết trung thu lại mang một sắc thái ý nghĩa khác nhau, các phong tục, hoạt động, món ăn cũng đa dạng, phong phú. Trong bài viết này, Nhatbanaz sẽ giới thiệu cho bạn biết về những điều thú vị có trong lễ hội trung thu tại Nhật Bản.
Tết trung thu Nhật Bản Otsukimi
Nguồn gốc tết trung thu Nhật Bản Otsukimi
Tết trung thu tại Nhật Bản được biết đến với tên gọi Otsukimi, trong đó, “tsukimi” trong tiếng Nhật có nghĩa là ngắm trăng, chữ “O” được thêm vào đầu để tạo sự trang trọng cho lễ hội.
Theo tương truyền, lễ hội trung thu tại Nhật Bản có nguồn gốc từ tết trung thu Trung Quốc. Ban đầu, lễ hội Otsumiki chỉ dành cho hoàng gia và các tầng lớp quý tộc. Sau đó, Otsumiki dần dần trở nên quen thuộc với người dân Nhật Bản và đến thời Edo (1603 – 1868), nó đã trở thành lễ hội dân gian của đất nước mặt trời mọc.
Tết trung thu tại Nhật Bản
Ý nghĩa tết trung thu tại Nhật Bản
Tết trung thu tại Nhật Bản có rất nhiều ý nghĩa. Cũng như Việt Nam, tết trung thu tại Nhật Bản mang ý nghĩa sum vầy, là dịp gia đình tụ họp gắn kết tình thương. Bên cạnh đó, tết trung thu tại Nhật Bản được tổ chức sau khi thu hoạch hoa màu mùa hạ, chuẩn bị bước vào giai đoạn thu hoạch mùa lúa nước. Do đó, lễ tết trung thu tại Nhật Bản còn mang ý nghĩa như một lời tạ ơn và cũng là lời cầu nguyện thần linh mang đến một vụ thu hoạch mùa màng tiếp theo tươi tốt.
Tết trung thu ở Nhật Bản được tổ chức khi nào
Điều làm nên điều độc đáo, khác biệt lớn nhất của lễ hội Otsukimi so với tết trung thu ở các quốc gia khác chính là thời điểm tổ chức. Ở Nhật Bản, tết trung thu được tổ chức 2 lần trong năm. Trong đó, lần thứ nhất được tổ chức vào đêm rằm tháng 8 hàng năm tương tự như tại Việt Nam và một số quốc gia trong khu vực. Lần thứ 2, tết trung thu diễn ra vào đêm 13 tháng 9 âm lịch, thường được gọi là đêm “trăng sau”. Ngoài ra, người dân Nhật Bản cũng phân biệt hai thời điểm tổ chức bằng tên gọi quen thuộc như đêm 15 và đêm 13.
Lễ hội Otsukimi được tổ chức 2 lần trong năm
Các hoạt động diễn ra trong tết trung thu Nhật Bản
Ngắm trăng tròn
Đúng với tên gọi “Otsukimi”, một hoạt động không thể thiếu trong đêm trung thu chính là ngắm trăng tròn. Nếu như ở Việt Nam, chúng ta hình dung mặt trăng với hình ảnh chú Cuội và chị Hằng thì tại Nhật Bản, người dân quan niệm rằng đó là hình ảnh của chú thỏ đang ngồi giã bột làm bánh dày mochi trên vương quốc mặt trăng. Địa điểm ngắm trăng có thể từ cửa sổ căn phòng, ở hiên nhà, ở ngoài sân, trong vườn, trên phố hay bất kỳ địa điểm nào ngắm trăng rõ nhất.
Trang trí nhà cửa
Hoạt động trang trí nhà cửa mỗi khi trung thu đến được xem là hoạt động tạo nên sự trang trọng cho lễ hội. Vật dụng trang trí trong tết trung thu tại Nhật Bản cũng rất đặc biệt. Người dân Nhật Bản thường dùng cỏ lau (Susuki) – một trong những loại cỏ phổ biến trong mùa thu Nhật Bản để trang trí nhà cửa. Với quan niệm rằng, cỏ lau chính là hiện thân của thần mặt trăng, mang đến sự sung túc, mùa màng tốt tươi, người ta thường treo cỏ lau trước cửa nhà. Bên cạnh đó, cỏ lau tại Nhật Bản với hình dáng chĩa nhọn còn mang ý nghĩa xua đuổi ma quỷ. Ngoài cỏ lau, một số vật trang trí trong lễ Otsukimi còn có hoa cẩm chướng, sắn dây rừng, hoa nữ lang, lồng đèn…
Cỏ lau – vật trang trí phổ biến trong tết trung thu Nhật Bản
Sum họp gia đình
Đúng với một trong những ý nghĩa của tết trung thu, hoạt động diễn ra phổ biến trong đêm trăng tròn là sum họp bên những người thân yêu, gắn kết tình thân gia đình. Nói đến đây, có lẽ chúng ta đã hình dung được khung cảnh mọi người quây quần bên mâm bánh truyền thống, kể lại những câu chuyện dưới ánh trăng tròn.
Món ăn truyền thống trong lễ trung thu Nhật Bản
Bánh Tsukimi-dango
Bánh Tsukimi-dango chắc hẳn đã trở nên quen thuộc với những ai yêu thích bánh trái Nhật Bản. Đây được coi là món ăn truyền thống trong tết trung thu Nhật Bản. Những chiếc bánh Tsukimi-dango tròn, trắng nhỏ xinh được ví như những ông trăng thu nhỏ. Bánh Tsukimi-dango được dâng cúng thần linh với mục đích cầu mùa màng bội thu. Không những thế bánh Tsukimi-dango còn có ý nghĩa mang lại sự khỏe mạnh, hạnh phúc. Vào đêm rằm tháng 8, người ta thường xếp 15 viên bánh Tsukimi-dango trong đĩa để dâng cúng. Vào đêm 13 tháng 9, số bánh được bày xếp thường là 13.
Các loại rau củ khác
Các loại rau, củ, quả cúng tại 2 thời điểm tổ chức lễ trung thu tại Nhật Bản dựa vào vụ thu hoạch của mỗi thời điểm. Đêm rằm tháng 8 còn được biết đến với tên gọi “trăng mùa khoai”, vì vậy trong đêm 15 người ta còn dâng cúng khoai tây hoặc khoai môn. Trong đêm 13 tháng 9, vật cúng tương ứng sẽ là lê và đậu các loại.
Một mâm đồ cúng trong lễ tết trung thu ở Nhật Bản
Qua bài viết này, Nhatbanaz hy vọng đã mang đến những thông tin hữu ích cho bạn về lễ hội Otsukimi ở Nhật Bản. Với những nét khác biệt, độc đáo trên, một lần được trải nghiệm thực tế lễ hội Otsukimi chắc hẳn sẽ vô cùng thú vị và đầy ý nghĩa.